Đại thắng Thái Thạch Ngu Doãn Văn

Ngày Nhâm Thân tháng 11 ÂL (4 ÂL, 22/11), Lượng soái đại quân đến Thái Thạch, rồi chia quân đến bến đò Tranh Qua Châu (cù lao). Triều đình mệnh cho Thành Mẫn thay Kĩ, Lý Hiển Trung thay Quyền; Kĩ, Quyền đều bị triệu về. Diệp Nghĩa Vấn nhận chỉ dụ, sai Doãn Văn đi Vu Hồ khao quân của Quyền. Ngày Bính Tý (8 ÂL, 26/11), ông đến Thái Thạch, Quyền đã đi mà Hiển Trung chưa đến, kỵ binh Kim kéo đến rất nhiều. Quân Tống mất hết hàng ngũ, cởi yên lột giáp ngồi ở bên đường, rõ là đội quân thua trận. Doãn Văn cho rằng nêu ngồi đợi Hiển Trung, ắt lỡ việc nước, bèn kêu gọi chư tướng, khích lệ trung nghĩa, nói: "Vàng lụa, cáo mệnh đều ở đây, đợi các ngươi lập công!" Mọi người đáp: "Nay đã có chủ tướng, xin tử chiến." cũng có kẻ nghi hoặc rằng: "Ngài nhận lệnh khao quân, không nhận lệnh đốc chiến, kẻ khác đến phá hoại, ngài nhậm chức được bao lâu?" Ông quát rằng: "Xã tắc nguy cấp, ta há lại cầu an?"

Đến Giang Tân (bến sông, cũng là địa danh), thấy bờ bắc đắp đài cao, hai bên cắm 2 ngọn cờ đỏ, 2 ngọn cờ vẽ, ở giữa có mái vàng, Hoàn Nhan Lượng ngồi dưới chỗ ấy. Do thám nói trước đây một ngày, (Kim đế) theo phép đã mổ ngựa đen tế trời, cùng tướng sĩ hẹn rằng: ngày mai sẽ sang sông, sáng sớm nấu cơm ở Ngọc Lân Đường, ai sang đầu tiên được thưởng một lạng vàng. Khi ấy Kim có 40 vạn quân, rất nhiều ngựa, Tống chỉ có 1.8 vạn. Ông mệnh chư tướng bày trận không động, chia số qua thuyền [6] làm 5: 2 cánh đi theo 2 bờ đông tây, 1 cánh trú ở trung lưu, giấu tinh binh đợi đánh; 2 cánh giấu ở cảng nhỏ, phòng bị bất trắc. Sắp xếp vừa xong, quân Kim hô lớn, Hoàn Nhan Lượng cầm cờ nhỏ màu đỏ vẫy mấy trăm cỗ thuyền xông đến, trong chớp mắt đã có 70 cỗ xuống được mạn nam, áp sát quân Tống. Quân Tống hơi lùi, Doãn Văn vào trong trận, vỗ lưng Thời Tuấn: "Anh đảm lược vang khắp 4 phương, sao lại đứng sau trận như đàn bà vậy!" Tuấn vẫy song đao lao ra, tướng sĩ đều tử chiến. Quân Tống ở trung lưu lấy Hải thu thuyền [7] xô vào thuyền quân Kim, đôi bên cùng chìm. Quân Kim liều chết mà đánh, đến chiều chưa lui. Gặp lúc quân Tống từ Quang Châu đến, ông nhận lấy cờ trống, từ sau núi xông ra, quân Kim ngờ là viện binh Tống, bắt đầu bỏ trốn. Doãn Văn mệnh cho cung cứng đuổi theo bắn vào sau lưng địch, quân Kim đại bại, phơi thây hơn 4000, 2 Vạn hộ bị giết, 5 Thiên hộ và hơn 500 người Nữ Chân bị bắt. Quân Kim nếu không chết dưới sông, Lượng ắt đánh chết họ. Ông báo tiệp, rồi khao tướng sĩ, nói rằng: "Địch nay thua, ngày mai ắt lại đến." Nửa đêm, sắp xếp chư tướng, chia các thuyền đi biển lên thượng lưu, rồi điều quân chắn ngang Dương Lâm Khẩu. Ngày Đinh Sửu (9 ÂL, 27/11), quân Kim lại đến, quân Tống nhân đó giáp kích, đốt hơn 300 chiến thuyền Kim. Quân Kim lui chạy, ông báo tiệp lần nữa. Sau đó, quân Kim làm chiếu đến dụ Vương Quyền, nói rằng đã ước hẹn từ trước. Doãn Văn nhận định đấy là kế phản gián, bèn dùng danh nghĩa của chủ tướng Lý Thế Phụ (tên khi còn ở nước Kim của Lý Hiển Trung), thách một trận quyết chiến. Lượng cả giận, giết Lương Hán Thần (là người giúp quân Kim vượt sông) và 2 người đóng thuyền, rồi đi Qua Châu.

Lý Hiển Trung đến từ Vu Hồ, Doãn Văn cho rằng quân Kim vào Dương Châu, ắt hiệp với quân Qua Châu, trong khi Kinh Khẩu không được phòng bị, đề nghị chia binh trợ giúp. Hiển Trung chia 6000 quân của Lý Phủng đi Kinh Khẩu, Diệp Nghĩa Vấn cũng mệnh Dương Tồn Trung đưa quân bản bộ đến hội. Doãn Văn về Kiến Khang, dâng sớ nói: "Địch thua ở Thái Thạch, sắp cầu may ở Qua Châu. Nay tinh binh của ta tụ ở Kinh Khẩu, thận trọng đợi chúng, có thể một trận là thắng. Xin tạm hoãn việc xuất phát của lục phi." [8]

Ngày Giáp Thân (16 ÂL, 4/12), Doãn Văn đến Kinh Khẩu. Quân Kim đóng quân ở Trừ Hà, làm ba con đập chứa nước, sâu mấy thước, chắn Qua Châu Khẩu. Khi ấy các cánh quân của Dương Tồn Trung, Thành Mẫn, Thiệu Hoành Uyên đều tụ ở Kinh Khẩu, không dưới 20 vạn, nhưng Hải thu thuyền chưa đầy trăm cỗ, Qua thuyền bằng nửa số ấy. Ông cho rằng có gió thì dùng chiến thuyền, không gió thì dùng chiến hạm, đếm thì thấy ít không đủ dùng. Bèn tập hợp gỗ, sắt, sửa sang Mã thuyền (còn gọi là Mã khoái thuyền, là loại thuyền vận tải) làm chiến thuyền, còn mượn của Bình Giang; mệnh Trương Thâm giữ Trừ Hà Khẩu, ngăn giữ chỗ Xung (nơi sông đổ ra biển) của Đại Giang (tên gọi Trường Giang vào đời Tống); lấy Miêu Định trú Hạ Thục làm hậu viện. Ngày Canh Dần (22 ÂL, 10/12), Hoàn Nhan Lượng đến Qua Châu, Doãn Văn cùng Tồn Trung xem xét, mệnh cho binh sĩ đạp Xa thuyền lên xuống trung lưu, đi 3 vòng Kim Sơn, qua lại như bay. Quân Kim ngây người mà trông, tỏ ra kinh hãi. Lượng cười nói: "Thuyền giấy đấy." Có tướng Kim quỳ tâu: quân nam có phòng bị, không nên xem nhẹ; xin ở lại Dương Châu, từ từ bàn tính việc tiến đánh. Lượng giận, muốn chém, người ấy van xin hồi lâu, bị đánh 50 trượng. Ngày Ất Mùi (27 ÂL, 15/12), Lượng bị bộ hạ sát hại.

Ngày Bính Thân (28 ÂL, 16/12), quân Kim lui lại 30 dặm đóng trại, sai sứ nghị hòa. Ngày Kỷ Hợi (2/12 ÂL, 19/12), Doãn Văn tâu lên. Đế triệu về, vỗ về khen ngợi, nói với Trần Tuấn Khanh rằng: "Lòng trung của Ngu Doãn Văn vốn là thiên tính, Bùi Độ của trẫm đấy!" Có chiếu cho ông được miễn theo xa giá, mà đi Lưỡng Hoài bố trí phòng ngự. Doãn Văn đến Trấn Giang, tâu lên 3 kế sách thu hồi vùng Lưỡng Hoài, triều đình không trả lời.